MẠN ĐÀM VỀ LĂNG GIA LONG


Một công trình kiến trúc đặc sắc
                                                                                                                           
 Vào năm 1814, sau khi Thừa Thiên cao Hoàng hậu - vợ chính của Vua Gia Long mất, Vua Gia Long liền bàn với các đình thần về việc làm một cái hiệp lăng để chôt cất di hài của người vợ yêu quý đã cùng ông lặn lội trên chiến trường vào sinh ra tử trong suốt 1/4 thế kỷ và cũng là nơi sẽ chôn di hài của mình sau này. Với quan niệm “Sinh ký tử quy” của hầu hết người Á Đông, Vua Gia Long cũng rất quan tâm tới nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Vì vậy nhà Vua đã đặc cách cử vị đại thần của mình là Lê Duy Thanh (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn), là một người rất giỏi và am hiểu về địa lý thời bấy giờ phụ trách việc tầm long điểm huyệt. Đồng thời bổ nhiệm 2 quan là Tống Phúc Lương và Phạm Như Đăng làm nhiệm vụ điều khiển và trông coi việc xây lăng.

Nhận nhiệm vụ Vua giao Lê Duy Thanh đã cùng nhiều thầy địa lý giỏi khác lặn lội đi khắp vùng núi non sông nước của Thừa Thiên - Huế. Cuối cùng đã tìm được ra cuộc đất lý tưởng tại làng Định Môn thuộc huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm bên tả ngạn sông Hương, cách kinh thành khoảng 16km về phía Tây. Sau khi tìm được cuộc đất này Lê Duy Thanh đã cho bốc dịch tới 7 lần để hỏi xem khí đất cát hung. Rồi lại khiến hoàng tử thứ 4 bốc dịch một lần nữa được quẻ Lôi Địa Dự, động hoà lục nhị lời chiêm rằng: “Giới vu thạch, bất chung nhận, trinh cát” (Vững như thạch, không cần chờ đến ngày, chính bền, tốt). Vì vậy bèn trình lên Vua Gia Long đề nghị chọn cuộc đất đó xây dựng lăng.

Xét dưới góc độ địa lý thì đây là cuộc đất rất đẹp, Long nhập thủ từ phương Cấn đến, tả có Thanh Long, hữu có Bạch Hổ bao bọc, trước mặt có một hồ lớn làm minh đường với phương thuỷ tụ là Khôn sơn. Phía bên kia hồ lại có ngọn núi đại thiên thọ làm tiền án, thuỷ lai từ phương Tốn Tị tới minh đường rồi uốn lượn mà chảy tiêu ở thuỷ khẩu Tuất phương.

Theo phép bát diệu trường sinh thuỷ pháp thì Cấn long nhập thủ, Long sinh sẽ là Văn Khúc thuỷ tinh. Đặt Long tinh Văn Khúc vào hữu hậu sơn nghịch chuyển tới phương minh đường thuỷ tụ Khôn ra sao Vũ Khúc kim tinh là cát tinh quý cách, lại có long thuỷ tương sinh là tốt.

Đứng tại huyệt mặt hướng về phía trước (minh đường) thấy thuỷ chảy tiêu về phía Bắc 6 sơn Tân Tuất càn Hợi Nhâm Tý nên đối cung là Nam tức Hoả cuộc thuỷ long Bính can quản cục. Bính dương hoả Trường sinh tại Dần, thuỷ lai từ phương Tốn Tị chảy vào minh đường là lấy Lộc thuỷ (Lâm quan, Đế vượng) rồi cho tiêu thoát ra phương Tuất là phương Mộ khố hợp thuỷ pháp chính ứng câu ca “Ất Bính giao nhi xu Tuất”.

Với cuộc đất này các nhà địa lý xưa đã chọn đặt lăng toạ Quý 癸 hướng Đinh 丁, phân kim Canh Tý 庚 子, Canh Ngọ 庚午nhằm thu toàn bộ cát khí hào 5 của quẻ Đại Quá. Lại đạt được chọn toạ hướng toàn trên bát can tứ duy nhằm tránh sát của địa chi gây ra, bởi thế mới nói là phân kim lập hướng toàn theo chính châm lại bảo là phùng châm phân kim vậy. Quả là phép lựa chọn tài tình, đáng để giới chuyên môn suy nghĩ.

Đi sâu hơn xem xét tính âm dương quy dịch lý của huyệt này thì quẻ chủ quản huyệt vị là quẻ Trạch thuỷ Khốn động hào 6 biến thành quẻ Thiên thuỷ Tụng.


Quẻ Khốn lời soán nói:“Khốn, hanh, trinh đại nhân cát, vô cữu, hữu ngôn bất tín” (Khôn hanh thông, chính bền, đại nhân tốt không lỗi, có nói cũng khó tin). Nghĩa là cuộc đất này rất tốt đẹp hanh thông, lại phát lâu dài (chính bền). Nhưng vì khí lực quá mạnh, long nhập hùng cường nên chỉ phù hợp với những bậc đại nhân, những người đức cao trí lớn, như những bậc quân vương đại thần tài đức song toàn (đại nhân cát). Cuộc đất này không dành cho những kẻ tiểu nhân, thiển đức, những kẻ giá áo túi cơm. Những đối tượng ấy dù có đặt vào huyệt này cũng không có phúc để hưởng mà còn chiêu thêm hoạ của sự khốn cùng. Thế đủ biết sự hanh thông chính bền của quẻ Khốn, cái cát của nó thật lớn lắm thay. Nhưng ở đời phàm những gì quá hanh thông chính bền thì không phải ai cũng biết và ai cũng được hưởng vậy, cũng như vua chúa không phải ai cũng được diện kiến long nhan (biết mặt) nên mới bảo long Khốn hanh trinh đại nhân cát mà “hữu ngôn bất tín” (không phải ai cũng biết mà nói ra cũng không phải ai cũng tin). Chỉ có bậc trí giả dư thừa, những bậc đại nhân quân tử mới biết được mà thôi.

Đọc lời tượng của quẻ Khốn lại ghi rằng: “Khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí”. Nghĩa là cuộc đất của quẻ Khốn này thật tốt đẹp, người quân tử lấy đây mà trút bỏ tính mệnh (hạ táng) để thoả chí hướng của mình (giúp cho con cháu đời sau được phát triển lâu bền, cha truyền con nối, dòng giống vương triều của mình được tồn hữu thiên thu). Vậy thì cuộc đất này há chẳng phải là cuộc đất mà các bậc quân vương trọng thần đang tìm kiếm sao.

Tuy nhiên quẻ Khốn có hào 6 động biến thành quẻ Tụng. Lời soán của quẻ Tụng nói rằng: “Tụng hữu phu trất dịch, trung cát, chung hung, lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên”. Thoán truyện viết rằng: Tụng trên cứng, dưới hiểm, hiểm mà mạnh tất sinh kiện cáo. “Tụng hữu phu trất địch, trung cát” nghĩa là cương đến mà đắc trung vậy. “Chung hung” như đừng để tranh chấp trở thành lâu dài mà phải “lợi kiến đại nhân” tức là chuộng điều trung chính vậy, bởi nếu không sẽ “bất lợi thiệp đại xuyên” sẽ sa vào vực thẳm. Lời tượng của quẻ Tụng lại tiến thêm một bước nữa đưa ra lời khuyên: “Thiên dữ thuỷ vi hành. Tụng, quân tử dĩ tác sự mưu thuỷ” (Trời với đất đi trái ngược nhau là quẻ Tụng, người quân tử lấy đấy mà hễ làm việc gì phải mưu tính ngay từ đầu). Điều đó có nghĩa là cuộc đất này tuy rất tốt đẹp, vận khí lâu dài nhưng vì động hào 6 (động hào không phải là do cuộc đất mà do âm phúc của mỗi cá nhân của người được an táng tại đó biến đổi không qua trạng thái thời gian tức năm sinh của Gia Long mà thành) - nên nhất định những đời sau sẽ có biến cố. “Thiên dĩ thuỷ vi hành” Thuỷ ở đây phải hiểu là đất. Trời đất tuy luôn nằm trong một thể thống nhất với nhau mà lại là hai mặt mâu thuẫn trái ngược nhau. Anh em con cháu tuy cùng một tổ tông, cha mẹ nhưng lại là hai cá nhân độc lập không phải lúc nào cũng hoà thuận theo nhau. Tượng của quẻ Tụng nói trời đất đi trái ngược nhau là sự tiên đoán thần kỳ của địa lý rằng con cháu đời sau của nhà vua (người đặt táng tại cuộc đất này) sẽ phát sinh sự cố, có sự tranh giành địa vị vương triều mà khởi loạn đao binh. Người ta thường nói: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời” nghĩa là phải có một cuộc huynh đệ tương tàn cuối cùng thì trời thắng thế giữ vững ngôi vị của mình. Vì vậy, với sự tiên đoán trước một cách tài tình này mà Dịch đưa ra lời khuyên “Quân tử dĩ tác sự mưu thuỷ” người quân tử - Tức đấng quân vương hiểu biết, lấy đấy mà suy ngẫm hễ làm điều gì phải mưu tính ngay từ đầu.

Điểm lại lịch sử 13 triều vua nhà Nguyễn ta mới thấy hết cái đạo quán thông trời đất của Dịch lý - Âm phần. Quả là trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Khi tìm hiểu lịch sử vương triều của vua Tự Đức với nạn “giặc chày vôi” gây binh biến cho kinh thành. Tự Đức đã phải bắt giam anh mình là Hồng Bảo vào ngục và sau tự vẫn chết trong ngục do mưu đồ cướp ngôi làm phản.

Cuối cùng trở lại với lời tiên đoán bất di bất dịch như sấm dội trên cao của Soán từ quẻ Tụng, hết sức đơn giản ngắn gọn mà như định mệnh không thể thay đổi được của triều đại nhà Nguyễn “Tụng hữu phu trất dịch, trung cát, chung hung” (Thành thật mà bị bế tắc, cuối cùng hung). Càng ngẫm ta càng cảm được cái phi thường của Dịch. Thành thật mà bị bế tắc, nếu đi sâu vào nghiên cứu tất cả các đời vua kể từ đời thứ 3 sau Gia Long và Minh Mạng mới thấy hết được chữ thành thật mà bị bế tắc, đó là bài “Khiêm cung ký” dài gần 5000 chữ của Vua Tự Đức. Cái chết thương tâm của Vua Tự Đức ở nhà ngục Thừa Thiên, rồi cái án lưu đày viễn xứ của nhà Vua trẻ Ái quốc Hàm Nghi, Thành thái, Duy Tân và cuối cùng là sự cáo chung của một triều đại phong kiến vương quyền kéo dài hơn 140 năm. Tất cả đều như một bức hoạ đồ minh triết lời tiên tri của quẻ Dịch “Tụng hữu phu trất dịch, chung hung”.

 Trần Mạnh Linh